TIN MỚI




TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN PHÚ TUYÊN TRUYỀN PHÒNG BỆNH DẠI

Thực hiện công văn số 1779/SNN-CNTY ngày 19/06/2024 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc khẩn trương tăng cường triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật.

Thực hiện công văn số 1384/UBND-KT ngày 16/04/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Xoài về việc khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật trên địa bàn thành phố.

Để làm tốt công tác phòng, chống có hiệu quả bệnh dại trong đơn vị, hạn chế thấp nhất số người tử vong do bệnh dại và ngăn chặn bệnh dại từ chó lây sang người, đảm bảo an toàn tính mạng cho CB,GV,NV và học sinh trong nhà trường. Trường TH Tân Phú tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh Dại.


BỆNH DẠI LÀ GÌ ???

          Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người,chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

          Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Hầu hết những người tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vắc-xin. Tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại trên người, bên cạnh đó theo khuyến cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị chó, mèo nghi dại cắn cần được tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh dại.

LÀM GÌ KHI BỊ ĐỘNG VẬT CẮN?

(động vật dại, nghi dại, động vật không rõ tiền sử tiêm ngừa dại)

Khi bị chó mèo cắn, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại:

- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.

- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

- Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào. Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Dự phòng trước phơi nhiễm: áp dụng cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, kiểm lâm, người nuôi dạy thú, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại. \

       Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cào/cắn

Lịch tiêm chủng cho từng trường hợp sẽ được tư vấn bởi bác sĩ tại cơ sở tiêm chủng.

MỘT SỐ KHUYẾN CÁO ĐỂ PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI

TRONG CỘNG ĐỒNG

     - Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn.

     - Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

     - Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần ( ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

     - Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

     - Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

 

HÃY CHUNG TAY ĐỂ ĐẨY LÙI BỆNH DẠI

          Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh đang công tác và học tập tại trường hãy nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại, thực hiện tuyên truyền trong cộng đồng nhằm đảm bảo sự an toàn cho chính mình, cho người thân và cộng đồng. Hãy giúp mọi người biết rõ việc dự phòng được Bệnh dại bằng việc tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại.

          Để không bị chết vì bệnh dại, mỗi người dân hãy đừng chủ quan khi bị chó, mèo cắn, liếm vào vết thương hở, vết xước, mổ thịt chó, chăm sóc chó ốm…v..v... ngay lập tức nên rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng đặc, rửa kỹ 3 lần, mỗi lần 5 phút sau đó đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị dự phòng bằng vắc-xin.

          Không nên chủ quan bỏ qua các vết cắn nhẹ, vết xước do chó nhà cắn,… Đặc biệt không được chữa bệnh dại bằng thuốc nam.
          Hãy đi tiêm phòng dại ngay khi bị chó, mèo cắn đừng để quá muộn./.

 

                                                                   Nguồn tin trường Tiểu học Tân Phú

 

Tiểu học Tân Phú
2018 © Trường Tiểu Học Tân Phú 
Chịu trách nhiệm: Hiệu trưởng Dương Thanh Lê
Địa chỉ: Phường Tân Phú - TP Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước